Chuyến du lịch Sapa không chỉ đáng nhớ bởi khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ tuyệt đẹp mà còn bởi đời sống văn hóa đầy màu sắc của người dân vùng cao. Nơi đâycó 6 dân tộc cùng chung sống: Kinh, H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó. Mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng, từ đó mà hình thành rất nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc tại Sapa.
Lễ hội Tết nhảy
Đối với người Dao đỏ ở Tả Van, lễ hội Tết nhảy có vai trò rất quan trọng, bởi vậy ngay từ trước khi diễn ra lễ hội, mọi người đều cùng nhau chuẩn bị cho các nghi thức khá công phu, không khí tưng bừng nhộn nhịp. Lễ Tết nhảy có thể được tổ chức vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết âm lịch và chỉ được tổ chức duy nhất ở nhà trưởng họ ở bản Tả phìn, huyện Sapa. Bởi vậy mà các thành viên trong họ đều tấp nập đến nhà trưởng họ giúp đỡ. Nam giới thì tập luyện các điệu múa truyền thống, phụ nữ lại lo nhuộm chàm, thêu áo mới.
Vào ngày diễn ra lễ hội, nghi thức đầu tiên là trình báo tổ tiên. Trước bàn thờ, các nam giới phụ lễ cho thầy cúng chính “Chói peng pi” là các “sài cỏ” sẽ cùng nhảy đồng. Chói peng pi nhảy trước, các sài cỏ sẽ nhảy sau, toàn thân rung lắc theo từng nhịp điệu. Tiếng tù và cất lên khắp bốn phương tám hướng với ý nghĩa mời các thần thượng giới xuống dự lễ. Nghi thức tiếp theo là 14 điệu nhảy mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, mở đường đón tổ tiên, thần linh về ăn Tết. Mỗi điệu nhảy lại mang đặc trưng và ý nghĩa riêng với những động tác khỏe khoắn, lúc nhanh chậm thể hiện sự khoan thai nhưng vẫn đầy sức mạnh… Kết thúc các điệu nhảy là lễ rước tổ tiên. Tượng tổ tiên là tác phẩm điêu khắc của người Dao đỏ với những đường nét chạm khắc hoa văn trang phục thời cổ xưa độc đáo, bàn tay phải của tượng có cầm thẻ bài ghi rõ tên ông tổ.
Tết nhảy diễn ra từ cuối giờ Thìn đến giờ Dậu với tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian. Đó là nghệ thuật múa nhảy đan xen với nghệ thuật âm nhạc. Các điệu múa sinh động, hàm chứa nhiều ý nghĩa tượng hình. Còn các bài hát nói về công lao của tổ tiên, về những truyền thuyết gắn với dòng họ, về đời sống sinh hoạt, lao động… Bên cạnh đó là nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ... Thế mới thấy lễ hội Tết nhảy may ý nghĩa văn hóa quan trọng đến nhường nào, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc.
Hội Roóng poọc của người Giáy
Lễ hội Roóng poọc vốn của người Giáy ở Tả Van, thế nhưng đến nay đã được phổ biến trở thành lễ hội chung cho cả vùng thung lũng Mường Hoa. Người Mông, người Dao và cả các du khách đều háo hức về dự lễ hội tạo nên không khí đông vui tới vài nghìn người.
Lễ hội Roóng poọc được tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, người yên vật thịnh.
Bắt đầu buổi lễ là nghi thức cúng của thầy mo với các lễ vật tượng trưng cho sự no ấm dâng lên thần linh, trời đất. Khi lễ cúng kết thúc là dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pí lè tấu lên thông báo các chò chơi dân gian mang tính nghi lễ tượng trưng bắt đầu. Trò ném còn tạo nên không khí tưng bừng, xung quanh tiếng hò reo cổ vũ rền vang mong muốn phông còn sớm thủng để báo hiệu cho vụ mùa năm nay tươi tốt. Kế tiếp là trò kéo co, tốp nam đứng đằng đông (tượng chưng cho mặt trời) luôn thắng, còn bên nữ (tượng trưng cho bên âm) sẽ vờ thua. Cuối cùng là nghi thức “xuống đồng” với 5 đường cày được thực hiện bởi hai thanh niên khẻo mạnh cùng 2 con trâu mộng được chọn. Nghi thức này báo hiệu cho vụ mùa mới bắt đầu.
Lễ hội xuống đồng
Cứ mỗi đầu xuân là người dân tộc Tày, Dao xã Bản Hồ thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai lại cùng tổ chức lễ hội xuống đồng với mong muốn tiếp thêm sinh lực mới cho người dân trong sản xuất và xây dựng và cũng là một cách bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc
Lễ khai hội bắt đầu từ tờ mờ sáng ngày mùng 8 Tết âm lịch. Phần lễ là nghi thức rước đất, rước nước với kiệu rước được trang trí công phu, màu sắc sặc sỡ theo màu biểu tượng của âm dương ngũ hành, theo kiệu rước là đội khèn trống tưng bừng. Phần hội bao gồm các tiết mục văn nghệ truyền thống cùng các trò chơi dân gian đặc sắc (ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ...)
Nếu có dịp tới tham dự lễ hội xuống đồng, khách du lịch Sapa chắc hẳn sẽ vô cùng ấn tượng với màn xòe – nét văn địa phương đặc sắc. Như một điệu múa tập thể, các cô gái Tày xinh xắn, uyển chuyển trong từng nhịp điệu sẽ điệu nghệ mời ngày càng nhiều người tham gia hơn để vòng xòe thêm rộng. Cuối cùng tất cả mọi người đều hòa nhịp, vui vẻ trong tiếng khèn, sáo tưng bừng.
Bên cạnh 3 lễ hội nổi tiếng đã kể trên thì Sapa còn rất nhiều lễ hội đặc sắc khác như: Lễ hội “nào cống”, lễ hội “nhặn sồng” và “nào sồng”, lễ hội gầu tào của người Mông, Tết cơm mới… Mỗi lễ hội lại có những hoạt động đặc trưng riêng, vừa thể hiện đời sống sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc, vừa mang ý nghĩa gửi gắm ước vọng của những người dân tộc vùng cao Sapa mong cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống luôn no ấm hạnh phúc.