Nước Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc lại có một nét văn hóa độc đáo riêng. Nếu có dịp ghé qua vùng đồng bằng sông Cửu Long thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá nét độc đáo trong ẩm thực của người dân Khmer Nam Bộ, chắc chắn bạn sẽ có một chuyến đi đáng nhớ.
Ghé thăm một nơi chốn nào đó, nếu bạn muốn khám phá trọn vẹn nền văn hóa bản địa thì hãy xem họ chơi gì, ăn gì. Ẩm thực của mỗi dân tộc thường phản ánh rõ nét lối sống, cách sinh hoạt của dân tộc đó. Người Khmer Nam Bộ cũng có một nền văn văn ẩm thực riêng biệt, mà bạn càng khám phá sẽ càng mê.
Chủ yếu cư trú tại vùng
đồng bằng sông Cửu Long nên lương thực được sử dụng hàng ngày của người Khmer chính là lúa gạo. Từ loại lương thực chủ yếu này người Khmer đã chế biến thành cháo, xôi và vô vàn loại bánh thơm ngon. Người dân tộc nơi đây thường tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở xung quanh mình như tôm, tép, gà, lợn, rau, đậu, bí, bầu,.. Còn về gia vị họ cũng sử dụng các loại gia vị thường thấy như: hành, tỏi, đường, muối, tiêu,.. Thế nhưng qua bàn tay tài hoa của người Khmer món ăn nơi đây đã được thổi vào một hương vị rất riêng, thơm ngon và đậm đà.
Nói về điểm riêng biệt, thì người dân Khmer
Nam Bộ khá ưa thích vị chua cay và sử dụng nước cốt dừa trong nhiều món ăn. Với họ, vị ngậy, béo của nước cốt dừa làm món ăn trở nên thơm ngon và hấp dẫn hơn.
Bánh tét cốm dẹt là một trong những loại bánh ngon được người Khmer sáng tạo ra
Nhắc về nền ẩm thực đặc sắc của đồng bào người Khmer thì không thể không nhắc tới món mắm prohoc truyền thống – nguyên liệu cho mọi món ăn. Món mắm này là thành phẩm được chế biến từ cá linh, cá trắng, tép. Để tạo nên hương vị riêng biệt và hấp dẫn cho prohoc người Khmer đã phải tiến hành một quá trình chế biến vô cùng cầu kì: Rửa sạch cá, tôm tép, đem chúng trộn cùng cơm nguội, muối theo một tỉ lệ thích hợp. Sau đó họ sẽ cho hỗn hợp này vào khạp, đậy kín nắp, phơi nắng từ 1 đến 3 tháng. Điểm đặc biệt nhất của loại mắm này là để càng lâu càng ngon và có thể trộn chung cùng mọi món ăn.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi khám phá kho tàng bánh phong phú của người dân Khmer Nam Bộ. Họ có thể tạo ra hơn 20 loại bánh khác nhau, có thể kể đến như bánh ú tro, bánh ít trần, bánh chuối hấp, bánh da lợn,.. Loại bánh nào cũng thơm ngon và gắn với một truyền thuyết nhất định.
Về đồ uống, người Khmer ưa thích nước lạnh, nước đun sôi và cuối cùng là nước ngọt. rất ít cư dân ở đây biết uống rượu nên hầu như không có nhà nào nấu rượu cả. Trong khi ăn, họ rất tôn trọng người bề trên, ông bà cha mẹ có thể ăn mâm riêng hoặc ăn cùng con cháu cho vui tùy theo sở thích.
Thơm ngon độc đáo hương vị bánh gừng
Để có thể hiểu hơn về nét độc đáo của ẩm thực Khmer bạn nên đi sâu vào từng món ăn cụ thể. Dưới đây là những món ăn nổi tiếng nhất của người dân tộc này:
- Canh Xiêm lo: Đây là món ăn không thể thiếu được trong mỗi dịp gia đình đoàn viên. Canh Xiêm lo được phân ra làm rất nhiều loại: xiêm lo mít, xiêm lo bình bát,.. Nguyên liệu chính của món ăn này gồm có: cá, thịt, rau ngổ, chuối rém, đu đủ non và chút mắm prohoc. Nước mắm sẽ làm món canh thêm phần đậm đà và tròn vị. Ngoài ra tùy theo ý thích người Khmer có thể bỏ vào đó các loại rau như: rau đắng, bồ ngót, bông điên điển, bí đao,..
Canh chua cá nấu với bông điên điển đã trở thành hình ảnh đặc trưng của người dân đồng bằng sông Cửu Long
- Bún nước lèo: Đây là món ăn rất nổi tiếng, hiện nay, nó đã lan rộng ra cả vùng
đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên liệu chính để nấu món ăn gồm có: tôm, cá, muối, sả, ớt, ngải bún giã nhỏ, mắm prohoc. Bún có ngon hay không được quyết định chủ yếu do vị của nước lèo – thứ nước mà người dân Khmer đã chế biến vô cùng công phu và khéo léo.
- Canh chua: Trong những ngày hè nóng nực thì canh chua được xem là món ăn thích hợp nhất. Chuối xiêm xanh sẽ được lột vỏ, xắt miếng, nấu chung với cá, gà, mẻ chua, rau om, sả, prohoc, ngò gai, tần dày lá,.. Ngoài ra loại canh này cũng có thể nâu bằng thân chuối, lá me non,..
Bánh thốt nốt thơm ngon hấp dẫn cũng là một sản phẩm từ bàn tay khéo léo của người Khmer Nam Bộ
- Bánh thốt nốt: Loại bánh này là cái tên khá lạ tai với người miền Bắc bởi vì nguyên liệu chính – cây thốt nốt chủ yếu mọc tại vùng đất mà người Khmer Nam Bộ sinh sống. Nguyên liệu để làm bánh gồm có trái thốt nốt, bột gạo, dừa. Bánh ngọt, mềm, thơm và ngon, đảm bảo ăn một lần bạn sẽ mê luôn.
Tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên ngay tại nơi mình sinh sống, người Khmer đã tạo nên một nền ẩm thực độc đáo và hấp dẫn. Không quá kì công trong cách chế biến nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của người Khmer cùng ngàn năm kinh nghiệm được tích lũy từ đời này sang đời khác, người dân nơi đây đã tạo nên rất nhiều món ăn thơm ngon, khiến du khách không thể chối từ.