Mùa thu ghé ngang mang theo những ngọn gió tươi mát và những tia nắng vàng êm dịu. Trong tiết trời hanh hao ấy sẽ thật tuyệt nếu được lai rai một cút quà quê: cốm.
Nhắc tới cốm nhiều người thường nghĩ ngay đến cốm làng Vòng mà quên mất ngày hội cốm của người Tày ở núi rừng Lào Cai. Đối với người Lào Cai, gạo chính là hạt ngọc quý trời ban và cốm chính là sản phẩm tinh túy làm ra từ lúa gạo. Vị dẻo thơm từ hạt cốm là sự kết tinh của công sức lao đông bán lưng cho đất, bán mặt cho trời. Hàng năm, cứ mỗi dịp tháng 10 gõ cửa, người dân tại Bảo Yên,
Lào Cai lại tổ chức ngày hội cốm để cảm tạ thần linh và trời đấy đã ban cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà.
Với toàn thể người dân Bảo Yên, hội cốm là một trong những ngày lễ trọng đại nhất trong năm. Vì thế bà con đã lên kế hoạch chuẩn bị cho ngày hội này ngay từ đầu mùa vụ. Càng cận ngày lễ lớn, không khí nô nức, hồ hởi lan tỏa khắp xóm thôn, từ làng trên xuống làng dưới, từ bản nọ sang bản kia. Khắp hai bên bờ suối Nậm Luông và xã Nghĩa Đô tiếng cười tiếng nói không ngớt, nhà nhà đều nô nức làm cốm chuẩn bị cho ngày hội lớn.
Quá trình chuẩn bị cho hội cốm có sự tham gia góp sức của mọi thành viên trong gia đình
Để có hạt cốm dẻo thơm, tròn vị thì rất cần sự góp công, góp sức của cả đại gia đình. Phụ nữ thì gặt lúa, chọn bông. Những hạt lúa mẩy nhất, thơm nhất, vàng óng ả nhất sẽ được lựa chọn. Vì đây là món quà dâng lên thần linh, trời đất nên khâu tuyển chọn phải vô cùng tỉ mẩn và cẩn thận. Đàn ông trong nhà thì gánh phần việc nặng nhọc hơn, bao gồm: Khơi lò, chẻ lạt, bổ củi, làm sàn gác sấy gốm. Quá trình làm gốm có sự góp sức của cả gia đình nên rất vui vẻ, thuận hòa.
Quá trình làm cốm của người Tày vô cùng tỉ mẩn, nhờ đó hạt cốm thơm, bùi và ngọt. Từ lúa nếp ban đầu những người phụ nữ sẽ đem rửa từng bông trong làn nước suối mát lành, đến khi sạch bong rồi đem xếp bên lò. Khi các chàng trai trong bản đã khơi lò, nhóm bếp cho than đỏ hồng các cô gái sẽ đặt bông lúa lên vỉ liếp đan bằng tre tươi, lật đều tay cho đến khi chín đều. Hạt cốm đạt chất lượng phải dẻo thơm, vừa ăn, mùi thơm dịu.
Giã cốm là khâu tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng cho ngày lễ. Trai gái bản cùng nhau giã cốm, tiếng chày tiếng cối vang vọng cả núi rừng, như lời cảm tạ trời đất và là lời mời trân trọng đến các thần linh, mong các vị bớt chút thời gian về dự lễ hội cùng dân bản. Để tạo ra hạt cốm thơm ngon thì hạt lúa nếp phải trải qua hai lần giã: lần thứ nhất cho bong hết vỏ trấu, sau lần này các bà các mẹ sẽ giần sàng sạch vỏ rồi mới giã tiếp lần hai để cốm dẻo thơm. Có đến xem những buổi làm cốm như thế này bạn mới hiểu rõ hơn về tập tục sinh hoạt, văn hóa, lối sống của người dân nơi đây. Khắp làng bản xóm thôn, tiếng cười nói vang vọng nơi nơi, hào hứng và mê say.
Tiếng chày tiếng cối vang vọng cả núi rừng như lời cảm tạ trời đất và là lời mời trân trọng đến các thần linh
Sau khi tạo ra những hạt cốm dẻo thơm, ngọt bùi, người phụ nữ Tày dùng chính những hạt cốm ấy để tạo nên nhiều món ăn thơm ngon và hấp dẫn. Với người Tày, cốm kết hợp với vịt sẽ tạo ra
những món ăn ngon không gì sánh bằng. Từ cốm và vịt người Tày có thể tạo ra: Cơm cốm, bánh cốm, cốm ép,.. Món nào cũng ngon, cũng dậy hương thơm của hạt ngọc trời.
Để tạo ra cơm cốm, người phụ nữ sẽ nấu cốm hạt trước rồi rưới đều nước luộc vịt đã tẩm gia vị vào đó. Sau khi cơm đã ngấm nước vịt, họ sẽ múc ra là dong, dùng tay nắm chặt thành khối, sau khi buông tay khối cốm này sẽ bung ra như hoa nở. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo thơm trong từng hạt cốm, công với vị ngậy béo của nước vịt.
Bánh cốm cũng là món ăn sẽ khiến bạn thích mê. Nhân bánh gồm có thịt vịt luộc chín tới, thịt băm viên, hạt dổi, bột đậu đen, nhân quả đài hái, kiệu lá, hành hoa, tỏi bột. Hỗn hợp nhân này sẽ được cho vào trong cốm, gói lại trong lá dong xanh, hấp chín cho đến khi dẻo thơm, vừa ăn. Bánh này ăn rất ngon, thơm bùi mà không ngậy.
Cốm ép làm tương tự như cơm cốm chỉ khác là sau khi nấu xong sẽ được ép dẹt giữa hai tấm ván. Khi gỡ bỏ lá dong ra bạn sẽ thấy các hạt cốm dẹt mỏng, quyện chặt với nhau, ăn khá thú vị.
Đối với bà con người dân tộc Tày tại Bảo Yên, Lào Cai, lúa gạo chính là hạt ngọc quý trời ban. Để tạo ra những hạt ngọc đó, họ đã đổ biết bao mồ hôi, công sức, một nắng hai sương. Để có được mùa màng bội thu bên cạnh công sức bỏ ra thì người dân còn trông cậy rất nhiều vào trời đất có mưa thuận gió hòa hay không. Mỗi năm, vào tháng 10, ngày hội cốm chính là dịp bà con nơi đây cảm tạ thần linh và trời đất. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc, riêng có của bà con dân tộc Tày. Nếu có dịp ghé thăm
Lào Cai vào một sớm mùa thu tháng 10, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tham gia lễ hội đặc sắc này.